Sự thay đổi về tình hình tồn kho cao su cho biết mức độ khan hiếm nguồn cung cao su trên các thị trường. Nếu nguồn cung ứng cao su thiếu hụt sẽ gây áp lực tăng giá đối với giá cao su và ngược lại.
Các yếu tố quan trọng về dài hạn bao gồm sự cải tiến về công nghệ, sự phát triển kinh tế…
Về trung hạn trong khoảng thời gian 2-3 năm, giá cao su phụ thuộc chủ yếu vào sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Tính biến động ngắn hạn trong siêu chu kỳ thị trường cao su chịu sự tác động của các yếu tố ngắn hạn khác nhau như thời tiết, diễn biến tiền tệ, các hoạt động thị trường cao su tương lai, sự can thiệp của chính phủ các nước sản xuất cao su chính và nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Xem thêm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Ảnh hưởng của dao động tiền tệ
Sự thay đổi ở các tỷ giá hối đoái tại các nước sản xuất hay tiêu thụ cao su lớn trên thế giới có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá cao su.
Ảnh hưởng trực tiếp bắt nguồn từ thực tế cao su thiên nhiên thường được mua từ một quốc gia bằng đồng tiền xác định để sử dụng hoặc bán lại sang một quốc gia khác bằng một đồng tiền khác. Bất kỳ sự thay đổi về giá trị các tỷ giá hối đoái có thể ảnh hưởng đến giá cao su tại quốc gia mua mà không có sự thay đổi về giá ở các nước sản xuất. Ảnh hưởng gián tiếp bắt nguồn từ hoạt động giao dịch chênh lệch (arbitrage) và nhu cầu đầu cơ mà có thể là đầu cơ về hàng hóa hoặc đầu cơ về giao dịch ngoại hối.
Về ngắn hạn, giá cao su có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào diễn biến giá các đồng tiền. Kiểu thay đổi về giá này chỉ có ảnh hưởng trên danh nghĩa, tức là không có ảnh hưởng ngay tức thì đối với nhu cầu và nguồn cung cao su.
Nếu giá cao su thay đổi ở các thị trường khác nhau cùng chuyển đổi sang cùng một đồng tiền, thì chênh lệch có thể xảy ra. Tuy nhiên, về dài hạn, sự thay đổi về tiền tệ có thể dẫn đến sự gia tăng về nhu cầu và / hoặc nguồn cung cao su. Dù phương diện này có tầm quan trọng ít hơn, về lý thuyết giá cao su thiên nhiên tăng lên có thể khiến các nhà sản xuất thay thế cao su thiên nhiên bằng cao su tổng hợp và ngược lại. Đồng thời, nếu giá cao su tăng có thể khiến các nhà sản xuất khai thác nhiều cao su hơn dẫn đến gia tăng nguồn cung cao su nhưng có thể gây suy kiệt cho cây cao su.
Ảnh hưởng tồn kho đối với giá cao su thế giới
Tất nhiên, chỉ riêng yếu tố tiền tệ sẽ không đủ tạo ra sự thay đổi về dài hạn đối với giá cao su. Các yếu tố cơ bản chính ảnh hưởng đến giá cao su là nhu cầu tiêu thụ và nguồn cung, và kết hợp hai yếu tố này trở thành yếu tố tồn kho cao su.
Giá cao su thiên nhiên duy trì xu hướng giảm kể từ năm 2011 do tồn kho cao su toàn cầu tăng lên mức cao lịch sử. Bên cạnh yếu tố tiền tệ, đà tăng sản lượng cao su tại 3 nước sản xuất cao su chính đã góp phần tạo nên bức tranh chung của thị trường cao su thế giới trong thời gian qua.
Vào tháng 10/2008, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thỏa thuận cắt giảm tổng cộng 215.000 tấn trong tổng sản lượng cao su của ba nước thông qua kế hoạch đốn những cây cao su đã già cỗi để trồng mới, và nhất trí cắt giảm xuất khẩu khoảng 700.000 tấn trong năm 2009. Ba nước kể trên hiện chiếm tới 70% nguồn cung cao su của thế giới. Những động thái can thiệp thị trường cao su từ các chính phủ như Thái Lan đã thúc đẩy giá cao su trong nước tăng lên, dẫn đến sản lượng cao su tăng vượt nhu cầu tiêu thụ.
Tuy nhiên, tình hình dư cung cao su thiên nhiên trong 2 năm gần đây có xu thế giảm dần có thể là dấu hiệu tốt hỗ trợ giá cao su ổn định. Hiệp hội Cao su Quốc tế (IRA) dự báo tình hình dư cung cao su thiên nhiên có thể duy trì trong vòng 5 năm tới song ở mức tương đối thấp dưới 100 ngàn tấn/năm.
Chính sách can thiệp từ chính phủ Thái Lan
Thái Lan hiện nay duy trì chính sách can thiệp với mục tiêu hỗ trợ giá cao su nội địa. Chính sách hỗ trợ này thường có chi phí rất cao, một phần do Chính phủ Thái Lan chi trả, một phần do ngành chế biến trong nước đảm bảo. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ giá sàn đảm bảo cho người nông dân bớt gánh nặng để đương đầu với giá cao su thế giới suy yếu như hiện nay.
Hồi đầu tháng 10/2015, rộ lên thông tin Chính phủ Thái Lan sẽ cắt giảm diện tích cao su khoảng 1.600 – 3.200 triệu m2 (160.000 – 320.000 ha) trong vòng 5 năm đến (2015 - 2019) và người dân sẽ được hỗ trợ để trồng những loại cây nông nghiệp khác. Chương trình này sẽ được thực hiện trên cả nước với nguồn hỗ trợ một phần từ ngân sách của Chính phủ Thái Lan nhằm tạo thế cân bằng cung cầu đối với các thị trường nông sản gồm cao su, gạo, sắn, ngô và cả ngành chăn nuôi. Người trồng cao su sẽ được khuyến khích trồng các cây khác như cọ dầu.
Song song đó Chính phủ Thái cũng khuyến khích sử dụng cao su trong xây dựng hệ thống giao thông đường bộ. Đây có thể nói là biện pháp giúp ổn định thị trường cao su sau khi Chính phủ Thái Lan tiến hành bán hết tồn kho cao su.
Triển vọng cuối năm 2015 và trong năm 2016
Theo Tập đoàn Cao su Quốc tế (IRCo), nguồn cung cao su thiên nhiên thế giới có thể bị thiếu hụt trong năm tới (2016) do lượng tồn kho thấp hơn ước tính trong khi sản lượng giảm.
Sản lượng cao su thiên nhiên đang giảm, nhất là tại Thái Lan và Ấn Độ.
Cao su mất giá và nhu cầu ảm đạm cũng như điều kiện thời tiết không thuận lợi đã khiến sản lượng cao su thiên nhiên năm 2015 giảm xuống.
Tháng 4/2015, Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) đã cảnh báo về tình trạng dư cung cao su thiên nhiên trong những năm tới và dự đoán rằng đến năm 2020, dư cung cao su thiên nhiên đạt 1 triệu tấn và dư cung cao su tổng hợp đạt 3 triệu tấn. Tuy nhiên, IRCo lại tỏ ra lạc quan về giá cao su trong những tháng cuối năm nay do kinh tế toàn cầu ổn định và những nỗ lực của Hiệp hội Các nước sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) trong việc duy trì sản lượng không đổi hoặc giảm xuống.
Sản lượng cao su Indonesia dự báo sẽ giảm vào năm tới do ảnh hưởng thời tiết xấu bởi hiện tượng El Nino và khói bụi từ cháy rừng. Tuy nhiên, sản lượng cao su năm 2015 không thay đổi ở mức 3,2 triệu tấn.
Indonesia sẽ đối mặt với điều kiện thời tiết khô do ảnh hưởng của El Nino, có thể tăng cường đến tháng 12, trong khi tro bụi từ các đám cháy rừng tại Sumatra và Kalimantan đã bao phủ phần lớn các khu vực Đông Nam Á, gây ra hiện tượng mù khô. Xuất khẩu cao su của nước này cũng dự đoán giảm nhẹ, xuống còn 2,5 triệu tấn trong năm nay, so với 2,6 triệu tấn năm 2014, do nhu cầu nội địa gia tăng.
Nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 12 góp phần thúc đẩy đồng USD tăng giá, từ đó có thể gây sức ép lên giá cao su trong giai đoạn cuối năm 2015. Tuy nhiên, dự báo sản lượng cao su giảm trong năm tới cùng với tình hình kinh tế Mỹ cũng như thế giới ổn định dần có thể hỗ trợ cho quan điểm lạc quan về thị trường cao su trong năm 2016.